Hiểu biết về Bad Sector là một chuyện, nhưng khắc phục lỗi này là một việc làm dành cho các chuyên gia có kiến thức. Tuy vậy, với một số chú ý trong quá trình sử dụng mà bạn hoàn toàn có thể phòng tránh và khắc phục lỗi Bad Sector này.
1. Các cách phòng tránh
Khi đã biết nguyên nhân ta sẽ có thể hạn chế được những việc dễ gây ra Bad Sector cho ổ cứng. Nên đặc biệt tránh các lỗi do quá trình sử dụng đã được liệt kê ở bài viết trước.
Đặc biệt, khi sử dụng trong môi trường nhiều bụi bẩn và độ ẩm cao như ở Việt Nam, ta cần lưu ý thêm một số thao tác khi sử dụng và vệ sinh máy tính.
Có thể liệt kê ra một số phương pháp để hạn chế việc gây ra lỗi Bad Sector của ổ cứng như sau:
– Chú ý vấn đề tản nhiệt cho HDD: nên sử dụng các thùng máy có khay đặt đĩa cứng rộng rãi, có chỗ thông khí.
– Sử dụng bộ nguồn cho máy tính chất lượng tốt, có UPS để thêm tính ổn định cho nguồn điện. Việc sụt áp đột ngột có thể khiến đầu từ không thu được về vị trí an toàn, dễ va chạm với phiến đĩa và gây ra hư hỏng vật lý, dẫn đến Bad Sector.
2. Cách phát hiện những lỗi của Bad Sector
– Khi đang chạy thông thường, chuột tự nhiên bị “đơ”, hệ thống tự động treo tạm thời rồi khôi phục sau vài giây.
– Khi cài đặt Windows, máy thực hiện rất chậm, đèn báo ổ cứng sáng liên tục (có thể không nhấp nháy), mặc dù bản cài Windows vẫn chạy tốt trên các máy tính khác.
– Không Fdisk được: Khi Fdisk báo lỗi No fixed disk present hoặc chạy Fdisk được nhưng rất có thể máy sẽ bị treo trong quá trình Fdisk.
– Không format được HDD: Khi tiến hành format đĩa cứng máy báo lỗi Bad Track 0 – Disk Unusable.
– Đang chạy bất kỳ ứng dụng nào, nhận được một câu thông báo như Error reading data on driver C:, Retry, Abort, Ignore, Fail? Hoặc Sector not found on driver C:, Retry, Abort, Ignore, Fail? Hoặc A serious error occur when reading driver C:, Retry or Abort ?.
– Khi chạy Scandisk hay Error checking trong HDTune, hay bất kỳ phần mềm kiểm tra bề mặt đĩa (surface scan) nào, ta sẽ gặp rất nhiều bad sector.
3. Cách khắc phục tạm thời Bad Sector
Cách khắc phục một Bad Sector đơn giản nhất là bằng phần mềm. Ta có thể sử dụng phần mềm tích hợp sẵn trong Windows.
Nếu thích sử dụng các công cụ đồ họa, bạn mở cửa sổ Windows Explorer, phải chuột vào ổ đĩa cần Check, chọn Properties. Vào tab Tools, bấm nút Check trong mục Error Checking.
Nếu quen sử dụng các dòng lệnh, bạn có thể sử dụng lệnh CHKDSK trong DOS.Trong cửa sổ Command Prompt (lưu ý phải chạy với quyền admin), bạn chuyển đến ổ đĩa cần thực hiện check bằng cách đánh ký tự tên ổ đó + dấu 2 chấm. Sau đó gõ CHKDSK và Enter. Windows sẽ tự động check lỗi của phân vùng đó, nếu có, nó sẽ báo và cho phép bạn đánh dấu không sử dụng phần Sector bị lỗi đó.
Leave A Comment